Hội nghị truyền thông mất cân bằng giới tính
Thứ năm - 22/10/2020 22:39
Ngày 19/10/2020 tại hội trường UBND xã Phúc Tiến Ban Dân số - KHHGĐ tổ chức hội nghị truyền thông Mất Cân bằng giới tính khi sinh. Tình trạng mất cân bằng giới tính của Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn nhiều nước châu Á, nhưng lại tăng nhanh và hiện cũng đã đạt mức cao. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, có thể không lâu nữa sẽ không còn hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu như mấy năm qua, mà sẽ lặp lại tình trạng “nhập khẩu” cô dâu như một số nước. Các chuyên gia cho rằng, muốn ngăn chặn, cần xác định những yếu tố làm cho tình trạng mất cân bằng giới tính xuất hiện và phát triển. Mà cái gốc của vấn đề là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, không chỉ nặng nề đối với bậc ông, bà, bố mẹ chồng, mà cả ở người chồng. Do vậy, cần giáo dục cho mọi người thông suốt về tư tưởng bình đẳng giới.
Một yếu tố khác là việc xác định giới tính thai nhi có thể được thực hiện sau khi người phụ nữ có thai 7 tuần, dễ dẫn đến nạo phá thai - vừa nguy hiểm cho người mẹ, vừa làm mất cân bằng giới tính. Việc xác định giới tính đã được pháp luật nghiêm cấm, nhưng trong thực tế vẫn diễn ra khá phổ biến. Về pháp luật cần có chế tài mạnh, cụ thể. Ngay cả việc kiểm tra, thanh tra, xử lý cần làm quyết liệt hơn để có tác dụng răn đe đối với những nơi vẫn thực hiện việc xác định giới tính sớm. Tư tưởng trọng nam khinh nữ lạc hậu nay lại được sự hỗ trợ của biện pháp kỹ thuật, đó là sự cộng hưởng giữa 2 yếu tố quan trọng.
Tại hội nghị truyền thông đồng chí Bùi Thị Vân Ngọc đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng giải pháp quan trọng và trọng tâm nhất vẫn là đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị cần phải được đặt lên hàng đầu bởi chỉ riêng ngành Dân số hành động sẽ không thể đạt được thành công trong việc kiểm soát và giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh.
Để giải quyết triệt để tình trạng MCBGT khi sinh, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình đã triển khai Đề án Giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh. Hiện, ngành Dân số đang triển khai Đề án kiểm soát MCBGT khi sinh giai đoạn 2016-2025 với nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác truyền thông để thay đổi hành vi. Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định: MCBGT khi sinh tại Việt Nam đang tăng nhanh ở mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, để giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Nguồn tin: Trần Thị Hạnh - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên