Tác hại của sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS
Thứ sáu - 07/02/2020 03:33
Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta, đáng lưu ý như tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đã vượt qua tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, sự gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai… Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi gây nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao…
Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tuy nhiên hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS còn đang gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.
Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.
Kỳ thị và phân biệt đối xử có thể biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở mọi nơi: Tại gia đình và cộng đồng, ở trường học, xí nghiệp, cơ quan, công sở.
*Ảnh hưởng của kỳ thị và phân biệt đối xử tới người bị kỳ thị: Làm cho người bị kỳ thị tự ti, không còn tự tin vào bản thân; mất niềm tin vào chính bản thân và những người xung quanh; không dám bộc lộ thông tin, tình trạng của bản thân, khiến cho dịch âm thầm lây lan trong cộng đồng; không dám tiếp cận với các dịch vụ; không được tiếp cận tới các dịch vụ; không được hỗ trợ, chia xẻ, vì vậy ảnh hưởng không tốt sức khỏe ,đến quá trình điều trị, diễn tiến bệnh; ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ cá nhân.
*Tác hại của sự kỳ thị và PBĐX đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS
Kỳ thị và PBĐX làm gia tăng tốc độ lan nhiễm HIV ra cộng đồng:
+ Vì lo bị phân biệt đối xử nên người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV không dám xét nghiệm, khiến cho HIV tự do lan truyền cho người thân và cộng đồng;
+ Người bị nhiễm HIV giấu giếm tình trạng bệnh tật, làm lan truyền HIV cho người khác.
Kỳ thị và PBĐX làm cho việc tiếp cận, tư vấn, chăm sóc, điều trị và dự báo về HIV/AIDS khó khăn:
+ Do người nhiễm sợ bị kỳ thị nên thường trốn tránh, không tự bộc lộ dẫn đến khó tiếp cận để tư vấn, điều trị…
+ Không nắm được hết số người nhiễm nên không thể dự báo chính xác tình hình lan nhiễm HIV,vì vậy không thể hoạch định được chính sách phòng chống HIV/AIDS phù hợp.
* Tác hại của sự kỳ thị và PBĐX đối với xã hội
Kỳ thị và PBĐX làm phá vỡ các mối quan hệ truyền thống giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng:
+ Mối quan hệ ngay trong gia đình giữa cha mẹ, con cái…
+ Mối quan hệ họ hàng, láng giềng.
+ Mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè.
+ Mối quan hệ tình yêu, hôn nhân.
+ Các chuẩn mực xã hội khác về quan hệ.
Kỳ thị và PBĐX làm hạn chế một số quyền cơ bản của công dân:
+ Quyền được chăm sóc sức khoẻ.
+ Quyền được làm việc, học hành.
+ Quyền được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình và xã hội.
Nguồn tin: Đỗ Thị Kim Hoan - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên