Phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người
Thứ sáu - 07/02/2020 03:38
Bệnh Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là lây từ lợn sang người do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh thông qua các vết trầy xước, vết thương trên da của người tiếp xúc hoặc ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
Biểu hiện của người mắc bệnh Liên cầu lợn: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp....Bệnh dễ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Các biện pháp phòng bệnh:
Trong thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín. Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua...).
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Phải dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
- Khi phát hiện lợn bị bệnh phải báo ngay với chính quyền, y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định. Tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định.
Bệnh Liên cầu lợn hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.