Hàng năm, bệnh Thủy đậu thường bắt đầu xuất hiện vào khoảng cuối tháng 12, bùng phát vào thời điểm cuối xuân đầu hè, từ tháng 2 đến tháng 4,5. Vì thế, đây là khoảng thời gian trẻ cần được bố mẹ chú ý bảo vệ sức khỏe, vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp con tránh được những căn bệnh theo mùa như này.
Bên cạnh đó, người lớn cũng cần cẩn trọng để phòng tránh bệnh Thủy đậu bởi rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị Thủy đậu vì lây lan từ người thân.
Triệu chứng của bệnh:
Bệnh Thủy đậu sẽ xuất hiện 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước cũng có thể lan ra các màng nhầy, đặc biệt là trong miệng và bộ phận sinh dục của trẻ.
Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường xuất hiện biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói, cảm giác ngứa ngáy vùng nổi mụn nước. Bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, thường không để lại.
Biến chứng của bệnh Thủy đậu:
Khi mụn Thủy đậu bị vỡ vi khuẩn xâm nhập vào gây nhiễm khuẩn ngoài da để lại sẹo xấu.
Một số trường hợp nặng gây Viêm phổi; Viêm não gây liệt, hôn mê,…
Ở phụ nữ có thai, mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Cách phòng bệnh Thủy đậu:
Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh Thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường./.