NHỮNG BÀI THUỐC ĐÔNG Y CHỮA SỐT XUẤT HUYẾT HIỆU QUẢ
Thứ ba - 04/07/2023 04:28
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue, lây theo đường máu.Biểu hiện lâm sàng chủ yếu: Sốt cao đột ngột, liên tục, đau cơ khớp, nhức hai hố mắt, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nghiệm pháp dây thắt dương tính, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nếu nặng gây chảy máu nội tạng, tràn dịch ổ bụng màng phổi....
Bệnh Sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2009): - Sốt xuất huyết Dengue - Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo - Sốt xuất huyết Dengue nặng Y học cổ truyền xếp bệnh Sốt xuất huyết vào nhóm ôn bệnh. Qua thực tiễn nhiều năm, thuốc y học cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh Sốt xuất huyết ở giai đoạn sốt chưa có dấu hiệu cảnh báo. Các trường hợp nặng hoặc dấu hiệu cảnh báo phải dùng thuốc và các phương pháp điều trị của y học hiện đại. Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, tả hỏa, lương huyết chỉ huyết. Nguyên tắc chung: Uống thuốc Nam, kết hợp nghỉ ngơi ăn nhẹ dễ tiêu, uống nước hoa quả, nằm màn ở nơi thoáng mát. Có thể dùng 1 trong các bài thuốc sau tùy từng trường hợp với dược liệu khô. Bài thuốc 1 Lá cúc tần 12g Cát căn (củ sắn dây) 20g Cỏ nhọ nồi sao đen 10g Rau má 10g Cây mã đề 10g Lá tre 10g Trắc bách diệp sao đen 20g Cỏ mần trầu 8g Gia giảm: Nếu không có củ sắn dây thì thay bằng lá Dâu 12g, nếu không có Trắc bách diệp thì thay bằng lá Sen sao đen 12g hoặc hoa Kinh giới sao đen 12g. Nếu kèm theo ho thì gia thêm Rẻ quạt (Xạ can) 10g. Bài thuốc 2 Cối xay 20g Hòe hoa sao cháy 20g Rễ cỏ tranh 12g Bồ công anh 10g Sài đất 12g Cỏ nhọ nồi sao đen 20g Kim ngân (cành, lá) 16g Nếu kèm theo ho thì gia thêm Rẻ quạt (Xạ can) 10g, Bách bộ 10g. Bài thuốc 3 Lá tre 20g Cỏ nhọ nhồi sao đen 16g Hạ khô thảo 20g Trắc bách diệp 16g Rễ cỏ tranh 16g Bài thuốc 4 Kim ngân hoa 6g Rễ cỏ tranh 12g Cỏ nhọ nồi sao đen 12g Hòe hoa 12g Sinh địa 12g Sắc uống ngày 1 thang trong 6 ngày. Đau đầu gia Bạch chỉ 8g, Cối xay 10g. Sốt cao gia lá Tre 12g, Thạch cao 8g. Táo bón bội Sinh địa 20g, gia Vỏ đại 8g. Nôn mửa gia Gừng tươi 8g, Hoắc hương 8g. Chú ý: - Có thể dùng các vị thuốc tươi, liều lượng gấp đôi so với dược liệu khô ở trên. - Ngày sắc 1 thang uống chia 2 lần sau ăn. Uống từ 3-5 thang thuốc thấy hết sốt và hết xuất huyết thì thôi không dùng nữa. - Nên cho uống thuốc ngay từ khi mới mắc bệnh hoặc sau 1 ngày khi mới sốt để tình trạng trụy mạch sẽ không xảy ra hoặc giảm nhẹ. - Đang uống thuốc mà thấy nhiệt độ giảm, tay chân lạnh, dừng ngay uống và dùng phương pháp sau: + Lấy một củ gừng to nướng chín nhũn, giã nhỏ, cho đường hòa với nước quấy đều cho uống. Kết hợp xoa bóp làm ấm cơ thể. + Lấy ngải cứu: Cứu hai bên mang tai, cứu lòng bàn tay và lòng bàn chân, thấy người ấm trở lại thì ngưng. - Hai bài thuốc trên điều trị cho trẻ em liều dùng như sau: + Trẻ từ 1-5 tuổi: liều bằng 1/3 người lớn + Trẻ từ 6-13 tuổi: liều bằng 1/2 người lớn + Trẻ từ 14 tuổi trở lên: liều bằng người lớn - Thời kỳ hồi phục: chủ yếu là nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng. Nếu dùng thuốc thì nên dùng thuốc bổ khí: Đẳng sâm 20g, Hoài sơn 16g, Bạch truật 12g. Phối hợp với các thuốc bổ âm: Mạch môn 10g, Sa sâm 10g để tăng cường sức lực, bồi dưỡng cơ thể sau thời gian sốt kéo dài.
Nguồn tin: Phạm Văn Việt - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên: