ĐAU THẮT NGỰC - NÊN LÀM GÌ KHI LÊN CƠN ĐAU THẮT NGỰC
Thứ năm - 21/09/2023 21:02
Đau thắt ngực (hay đau tức ngực) là cảm giác đau ngực gây ra do lưu lượng máu đến tim bị giảm. Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện ở các vị trí cụ thể như: bên trái ngực, gần tim, sau xương ức hoặc vùng giữa ngực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau ngực, trong đó nguyên nhân chính là do cơ tim không nhận được đủ lượng máu giàu oxy. Bên cạnh đó, một số thói quen hoặc lối sống không lành mạnh cũng có thể gây ra tình trạng đau thắt ngực thường xuyên, cụ thể:
- Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc lâu dài với khói thuốc. - Sử dụng rượu và đồ uống có cồn thường xuyên. - Thiếu hoạt động thể chất. - Căng thẳng kéo dài. - Chế độ ăn uống không lành mạnh. Biểu hiện của cơn đau thắt ngực: Cảm giác tức ngực, đau ngực bên trái, tim bị bóp chặt, bị đè nén như có vật nặng đè lên, đôi khi là cảm giác khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. Có thể xuất hiện một số triệu chứng khác, bao gồm: Cực kỳ mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu, buồn nôn, khó thở, đổ mồ hôi. Triệu chứng thường gặp khi người bệnh hoạt động gắng sức (đi bộ, chạy, leo cầu thang,…) vì khi đó tim cần được cấp nhiều oxy hơn để hoạt động.
Việc đau thắt ngực âm ỉ gây ra tình trạng khó chịu khiến nhiều người lo ngại và mức độ nghiêm trọng cũng sẽ tăng dần. Bạn có thể kiểm soát hoặc hạn chế thông qua một số cách dưới đây. - Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ưu tiên những thực phẩm tốt cho tim mạch: đậu đen, cá hồi, cá ngừ… Hạn chế bia, rượu và các loại thức ăn có lượng cholesterol cao. Ngoài duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh nên bỏ hút thuốc lá cũng như hạn chế tiếp xúc khói thuốc trực tiếp. - Tích cực tham gia các hoạt động thể thao: Nên tích cực vận động thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường thể lực cũng như điều hòa hơi thở. Tuy nhiên, cần xác định cường độ luyện tập phù hợp với thể trạng để tránh lên cơn đau thắt ngực bằng cách: Bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, không gắng sức như yoga, các bài tập thở… - Chế độ làm việc vừa phải, cân bằng với chế độ nghỉ ngơi: Hầu hết những người bị đau thắt ngực vẫn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường, bao gồm công việc hàng ngày. Tuy nhiên, nên cân nhắc để có một chế độ làm việc với cường độ hợp lý xen kẽ với các khoảng nghỉ, tránh tình trạng gắng sức để giảm thiểu cơn đau tức ngực “ghé thăm”. Việc bị căng thẳng, stress kéo dài cũng sẽ khiến triệu chứng của cơn đau thắt ngực trở nên trầm trọng hơn. Do đó, nên hạn chế các tình huống gây ra tức giận, tranh cãi, mất kiểm soát. - Nhận hỗ trợ từ chuyên gia: Để cẩn trọng hơn, hoàn toàn có thể tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia có chuyên môn về sức khỏe. Đối với trường hợp đã áp dụng những cách trên để cải thiện nhưng các triệu chứng của cơn đau thắt ngực dần trở nên nặng hơn, đó chính là một tín hiệu thông báo rằng bạn đang rất cần sự can thiệp từ bác sĩ. Một số triệu chứng nặng hơn mà bạn có thể gặp phải: Cơn đau thắt ngực diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn, nghiêm trọng và nằm ngoài tầm kiểm soát. Cơn đau tức ngực xảy ra ngay cả khi cơ thể không gắng sức. Cơn đau không biến mất khi nghỉ ngơi hoặc đã dùng thuốc. Khi bạn quan sát và thấy mình đang gặp phải những triệu chứng trên thì hãy nhanh chóng tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ và trao đổi trực tiếp để có hướng xử lý kịp thời.
Nguồn tin: Phạm Văn Việt - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên: