TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ TẠI NƠI LÀM VIỆC
Thứ tư - 02/08/2023 21:04
Bắt đầu từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức thường niên từ ngày 01-07/8 nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ để trẻ được phát triển một cách toàn diện. Với chủ đề “Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”, Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2023 tập trung đẩy mạnh việc bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ phải đi làm tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp trẻ phòng, chống một số bệnh nhiễm khuẩn như bệnh đường ruột, hô hấp; các bệnh ở tai, mũi, họng; dị ứng, hen suyễn,… Tỷ lệ các khoáng chất (canxi, photpho, magie) và vitamin có trong sữa mẹ phù hợp với sự phát triển của trẻ nên trẻ dễ hấp thu, ít bị còi xương và thiếu máu. Ngoài ra, việc cho trẻ da kề da và cho con bú ngay trong những giờ đầu tiên sau khi chào đời sẽ giúp mẹ con gần gũi nhau hơn, thúc đẩy nguồn sữa mẹ và tăng cơ hội nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài. Sữa mẹ tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm bền vững khi đáp ứng 100% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong sáu tháng đầu đời, đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi; 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi. Do đó, trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.
Dù ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn là 45,4% (năm 2020). Đây là điều đáng lo ngại và có thể gây ra những ảnh hưởng to lớn tới thế hệ tương lai của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Năm 2023, huyện Phú Xuyên có tỷ lệ trẻ được bú sớm trong giờ đầu đạt 84%; tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 90%. Kết quả trên đạt được do Ngành Y tế tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ như: Tổ chức các hoạt động tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ cho các phụ nữ mang thai, bà mẹ, gia đình về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng, cách cho con bú đúng, cách duy trì nguồn sữa, cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ. Truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản. Tuân thủ Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn cho các nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết về tư vấn, hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú đúng cách, cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ, cách duy trì nguồn sữa mẹ và xử trí những trường hợp bà mẹ khó khăn trong việc cho trẻ bú mẹ; thực hiện tư vấn và hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú sớm sau sinh; tổ chức tư vấn, tuyên truyền cho tất cả phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế kể cả các trường hợp mổ đẻ để góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh,…
Nguồn tin: Nguyễn Trần Bảo Yến - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên: