Quyết định số 216 xuất phát từ thực tế về sự tăng dân số quá nhanh do thiếu hướng dẫn, gây nên cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quyết định nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hòa thuận, hạnh phúc của gia đình và để cho việc nuôi dạy con được chu đáo; các giải pháp, các bước triển khai thích hợp nhằm thực hiện các mục tiêu cũng được nêu rõ, đặc biệt là việc huy động các bộ, ngành, đoàn thể phối hợp có sự phân công thống nhất hành động, thực hiện xã hội hóa công tác hướng dẫn sinh đẻ và đặc biệt chú trọng công tác vận động tuyên truyền của các đoàn thể quần chúng kết hợp với cung cấp dịch vụ thực hiện sinh đẻ có hướng dẫn một cách dễ dàng, an toàn và thuận lợi.
Sau Quyết định số 216, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách dân số để hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt là Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VII, Chỉ thị 50 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Đặc biệt Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Đã 63 năm trôi qua, Quyết định số 216 - văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách dân số ở Việt Nam vẫn có ý nghĩa to lớn, mang đậm tính nhân văn và làm cơ sở định hướng cho các chính sách DS-KHHGĐ, các vấn đề về dân số - phát triển và có thêm một dịp (ngoài kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7) để toàn Đảng, toàn dân tổ chức các hoạt động hưởng ứng và chào mừng, nhắc nhở cùng nhau hãy hành động nhân ngày kỷ niệm này nhằm huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho công tác DS-KHHGĐ. Đồng thời để khẳng định với Quốc tế rằng, Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm đến công tác dân số và đã sớm nhận thức, cũng như sớm triển khai thực hiện công tác này. Với ý nghĩa đó, theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Quyết định số 326 lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam.
Tại huyện Phú Xuyên năm 2024 với tinh thần tích cực tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành cũng như các cơ quan phối hợp; sự hưởng ứng tích cực của người dân đã đạt được kết quả đáng khích lệ: Công tác Truyền thông và giáo dục sức khoẻ, viết và phát tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện, xã được 592 tin bài, tổ chức nói chuyện chuyên đề được 126 buổi với 8.908 người tham dự, tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ tại 6 xã , thị trấn; Hoạt động các mô hình, đề án được duy trì và thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu.
Số sinh: 2717 trẻ, tỷ suất sinh thô: 11,61%o
Sinh con thứ 3: 206 trẻ, đạt tỷ lệ 7,58%
Tỷ lệ số bà mẹ mang thai sàng lọc trước sinh 4 bệnh phổ biến: 82,2%
Tỷ lệ trẻ được sàng lọc 5 bệnh phổ biến: 87,1%;
Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ: 90%;
Tỷ lệ nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 54%
Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái): 108 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tỷ lệ các cặp vợ chống áp dụng các BPTT hiện đại 76%.
Các khẩu hiệu truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 gồm: Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững; Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì tương lai hạnh phúc của chính bạn; Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số; Hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên; Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; Không kết hôn cận huyết thống để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi; Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.