Vệ sinh an toàn thực phẩm
Thứ sáu - 07/02/2020 02:57
An toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay là vấn đề đặc biệt quan trọng, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi.
Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ.
Các vụ ngộ độc thực phẩm tại một số bếp ăn tập thể, nhiều thông tin liên tục về tình hình ATVSTP ở các tỉnh thành, cộng thêm dịch cúm gia cầm tái phát, bệnh lở mồm long móng... ở một số địa phương trong nước càng làm bùng lên sự lo âu của mọi người chúng ta về chất lượng thực phẩm hiện nay.
* Vì vậy hãy áp dụng 10 nguyên tắc vàng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi, rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
2. Nấu chín kỹ thức ăn. Thực hiện ăn chín uống sôi để đảm bảo an toàn thực phẩm
3. Ăn ngay sau khi nấu, vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 3 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60° C hoặc lạnh dưới 10° C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kỹ lại.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống, với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
8.Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
*Cách xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần biết một số động tác sau:
- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
- Đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ, niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu), và báo ngay cho cơ quan chức năng đến điều tra xác định nguyên nhân.
- Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
- Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Trên đây là nội dung phổ biến những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Mọi người hãy chú ý thực hiện các điều đơn giản nói trên để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nguồn tin: Đỗ Thị Kim Hoan - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên