Phòng chống bệnh Tay chân miệng
Thứ sáu - 07/02/2020 03:04
Bệnh “Tay, chân, miệng” là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em do siêu vi trùng đường ruột gây ra, bệnh lây lan từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt dịch tiết mũi họng hoặc qua thức ăn, nước uống bị nhiễm virút.
Người lớn cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virút hoặc trong quá trình chăm sóc người bệnh. Bệnh dễ lây thành dịch do virút đường ruột gây nên và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm, xử trị kịp thời.
1. Những biểu hiện chính của bệnh Tay chân miệng?
- Bệnh biểu hiện ban đầu bằng sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi phỏng (bóng) nước.
- Phỏng (bóng) nước trong miệng thường thấy ở lợi, lưỡi và mặt trong của má. Ban đầu là những chấm đỏ xuất hiện 1 – 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành phỏng (bóng) nước vỡ ra thành vết loét.
- Phỏng (bóng) nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân…
2. Bệnh Tay chân miệng lây truyền như thế nào?
- Bệnh lây trực tiếp từ người sang người:
+ Qua trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, phỏng (bóng nước bị vỡ).
+ Qua tiếp xúc giữa trẻ em với nhau hoặc tiếp xúc với đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà... bị nhiễm vi rút.
+ Qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm chứa vi rút.
3. Cách phòng bệnh:
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
+ Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
+ Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay nhiều lần nhất là khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
+ Không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
+ Cho trẻ ăn chín, uống chín, dùng riêng thìa, bát.
+ Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ.
+ Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
4. Nên làm gì khi trẻ bị mắc bệnh?
+ Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
+ Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác.
+ Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.
+ Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm.
Trên đây là những điều cần biết về bệnh Tay chân miệng. Hy vọng bài tuyên truyền hôm nay sẽ đem lại những kiến thức bổ ích và thiết thực giúp các gia đình hiểu biết và có cách phòng tránh cũng như chữa trị dịch bệnh này.
Nguồn tin: Đỗ Thị Kim Hoan - Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên